Dồn sức cứu dân trong lũ lớn

tháng 10 20, 2020

BTT

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã gây ngập lụt diện rộng tại Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nước lũ lên rất nhanh, chảy xiết khiến cho hàng nghìn người dân không kịp trở tay. Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, khẩn cấp ứng cứu nhân dân.

Trong đợt lũ lịch sử này, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là địa phương bị thiệt hại khá nặng nề. Mưa lũ đã làm hơn 13.700 ngôi nhà bị ngập, 2 người thiệt mạng. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã huy động 280 cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị bộ đội địa phương; đồng thời chỉ đạo Ban CHQS 8 huyện, thị xã, thành phố điều động gần 1.000 chiến sĩ dân quân khẩn cấp ứng cứu người dân theo phương châm 4 tại chỗ...

Thượng tá Trần Chí Hiếu, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: "Đơn vị huy động mọi lực lượng, phương tiện để ứng cứu người dân, quyết tâm không để mưa lũ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường cơ động về các địa bàn trọng điểm bị nước lũ chia cắt. Trong khi đó nước sông tiếp tục lên nhanh và chảy xiết, gió thổi mạnh khiến việc tiếp cận ứng cứu người dân gặp nhiều khó khăn".

Từ sáng sớm 19-10, lực lượng cứu hộ đã có mặt tại xã Gia Ninh. Tuy nhiên, việc tiếp cận các địa bàn trọng điểm ngập lụt là không hề dễ dàng. Chiếc ca nô ngược dòng lũ xiết, tròng trành như muốn lật úp khi gặp những đợt sóng to. Trên trời mưa bay rát mặt, dưới sông nước lũ hung dữ. Phải mất hàng giờ vật lộn với sóng gió, luồn lách tránh dây điện và tường rào, lực lượng cứu hộ cũng tiếp cận được thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh. Chị Hoàng Thị Hậu và con gái 16 tháng tuổi là trường hợp đầu tiên được lực lượng quân đội cứu hộ. Nói với chúng tôi, chị Hậu vẫn còn hoảng hốt: "Lần đầu tiên em chứng kiến trận lũ kinh hoàng như thế. Nước lên rất nhanh, lại vào buổi tối nên chỉ biết ôm con trèo lên tra (gác) ngồi khóc. Nếu không được các chiến sĩ quân đội ứng cứu, chưa biết số phận mẹ con em sẽ như thế nào". Không riêng chị Hậu, thời điểm đó, thôn Quảng Xá vẫn còn rất nhiều người mắc kẹt trong lũ, tối qua, tiếng cầu cứu vang vọng khắp nơi. 

Với quyết tâm phải di dời được người dân trước khi trời tối, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận từng thôn, rà soát từng nhà, khẩn trương di dời người cùng nhiều tài sản đến các địa điểm an toàn. May mắn thay, sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Quảng Bình đã cứu sống hàng trăm người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh. 

Dồn sức cứu dân trong lũ lớn
Lực lượng cứu hộ tiếp cận ứng cứu gia đình ông Nguyễn Thế Tuyển (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). 

Đến 18 giờ ngày 19-10, LLVT tỉnh Quảng Bình đã phối hợp ứng cứu, di dời hơn 1.500 hộ dân với hơn 3.600 nhân khẩu trên địa bàn huyện Quảng Ninh đến vị trí an toàn. Hiện tại, nước lũ đang tiếp tục lên, mưa lớn dự báo vẫn kéo dài, cảnh báo một đợt lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra. Trong chiều và tối 19-10, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục huy động thêm lực lượng, phương tiện, bám sát địa bàn trọng điểm trên huyện Quảng Ninh, khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng cứu và di dời nhằm bảo đảm đến mức cao nhất an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Tại Hà Tĩnh, trời mưa to và đặc biệt to. Thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa to xối xả cùng với các hồ đập lớn như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Khe Xai, Tàu Voi, Thượng Sông Trí... đồng loạt xả tràn điều tiết lũ khiến nước lũ lên nhanh. Nhận được thông tin gia đình ông Nguyễn Đình Thiếp và bà Nguyễn Thị Lan ở xóm Đồng Trung, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) đang bị nước lũ cô lập hoàn toàn và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh và Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên đã nhanh chóng đến ứng cứu. 

Việc tổ chức sơ tán nhân dân đã được Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ sáng 18-10. Trong đợt này, Bộ CHQS tỉnh tổ chức ứng trực 100% quân số sẵn sàng sơ tán nhân dân khi có tình huống xảy ra. Riêng xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên có hơn 1.300 hộ dân đều bị ngập hoàn toàn. Bộ CHQS tỉnh đã lập sở chỉ huy tiền phương tại huyện Cẩm Xuyên để chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Không quản ngày đêm, đến chiều 19-10 đã tổ chức sơ tán gần một nghìn người già, trẻ nhỏ và gia đình khó khăn về tại điểm trường Đại học Hà Tĩnh bảo đảm nơi ăn nghỉ an toàn cho nhân dân. Thượng tá Dương Ngọc Tiệp, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh nói: "Với phương châm cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo đảm an toàn tuyệt đối, tính đến chiều 19-10, đơn vị đã tổ chức sơ tán được hơn 7.000 hộ dân với 20.761 người trên các địa bàn của 8 huyện, thành phố đang có nguy cơ mất an toàn do lũ lụt, sạt lở đất".

Hiện tại, Quân khu 4 đã hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 5 tàu cỡ lớn, 1 xe chở hàng cứu trợ cùng 500 áo mưa, 20 phao bè, 300 túi đựng chăn, 120 áo phao sẵn sàng tham gia ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra. Dự báo trong những ngày tới, mưa lớn kéo dài, ngập lụt sẽ diễn ra trên diện rộng và phức tạp. Vì vậy, LLVT tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đang theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, huy động mọi phương tiện và lực lượng sát cánh cùng nhân dân vượt qua mưa lũ. 

Nguồn st
--
Nguồn ST

Share this