LTS: Ưu tiên xây dựng một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại là chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội.
Quán triệt chủ trương này, thời gian qua, nhiều học viện, nhà trường đã tập trung xây dựng nhà trường "chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại hóa", góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ chuyên môn, tay nghề có chất lượng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tìm hiểu thực tế tại Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Không quân và Trường Sĩ quan Thông tin, chúng tôi ghi nhận nhiều sự thay đổi để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Bài 1: Khâu then chốt nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
Trong tình hình mới, nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của các nhà trường Quân đội có sự phát triển với yêu cầu cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban giám hiệu các học viện, nhà trường xác định tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Không ngừng nâng cao chất lượng "cỗ máy cái"
Có mặt tại Trung đoàn 915 (Trường Sĩ quan Không quân) từ lúc mờ sáng, chúng tôi đã thấy cán bộ, học viên sẵn sàng chuẩn bị bước vào ban bay. Trước khi chuẩn bị thực hành bay đơn trực thăng Mi-8, Thượng sĩ Nguyễn Tú Tài, học viên Khóa 47 thuộc Biên đội 2, Phi đội 1, Trung đoàn 915 được giảng viên là Trung tá Lê Tiến Đạt, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 915 động viên, căn dặn rất cặn kẽ các bước xử lý tình huống khi điều khiển máy bay. Chính sự ân cần, tận tụy hướng dẫn của giảng viên nên Thượng sĩ Nguyễn Tú Tài tỏ ra tự tin và hoàn thành tốt nội dung thực hành bài bay của mình. Quan sát buổi luyện tập bay của thầy và trò, chúng tôi nhận thấy đội ngũ giảng viên nhà trường có phương pháp truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn khoa học, gần gũi, tỉ mỉ nên học viên tự tin, trong thực hành chuyến bay đơn vòng kín đầu tiên đã trung thành yếu lĩnh động tác và hoàn thành tốt chuyến bay đơn an toàn, chất lượng.
Một buổi huấn luyện bay Mi-8 của học viên Trường Sĩ quan Không quân. Ảnh: MAI ĐÔNG |
Từ những điều "thực mục sở thị" ở buổi huấn huyện bay của Trung đoàn 915, đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với các đồng chí trong Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Không quân. Đề cập đến vấn đề chuẩn hóa "cỗ máy cái" (đội ngũ giảng viên) của Nhà trường, Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân thông tin: "Với đặc thù vừa đào tạo phi công quân sự, sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn, vừa đào tạo nhân viên cao đẳng, trung cấp kỹ thuật hàng không các chuyên ngành nên nhà trường mang đặc thù so với các nhà trường, học viện khác bởi có các trung đoàn bay huấn luyện bay và sẵn sàng chiến đấu, nhiều cán bộ, chỉ huy đơn vị cũng là giảng viên huấn luyện bay. Mặt khác, biên chế của Nhà trường chưa ổn định, đội ngũ cán bộ có nhiều thời điểm còn thiếu, thường xuyên chỉ đạt 80-85% nhu cầu, do đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm với những kế hoạch cụ thể; chủ động điều chỉnh, sắp xếp hợp lý lực lượng cán bộ, giảng viên, ưu tiên người có trình độ đại học, sau đại học, có kinh nghiệm cho các khoa giáo viên cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, chỉ huy quản lý đơn vị giàu kinh nghiệm, tích lũy nhiều giờ bay".
Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Không quân tập trung kiện toàn biên chế, bảo đảm đội ngũ giảng viên có đủ số lượng và cơ cấu hợp lý, có tỷ lệ dự trữ theo đúng quy định, tạo điều kiện cho giảng viên được đi đào tạo nâng cao bậc học và luân chuyển cán bộ về đơn vị mà không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, Nhà trường đã làm tốt công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên về các khoa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch xin bổ sung, luân chuyển cán bộ đã qua thực tiễn quản lý, chỉ huy ở các đơn vị cơ sở; học viên tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp các lớp đào tạo chức danh cấp trung đoàn, sư đoàn ở các học viện, nhà trường và thực hiện đúng quy định trong tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học có đủ tiêu chuẩn về Nhà trường công tác. Nguồn tuyển chọn giảng viên bay cho các trung đoàn bay chủ yếu là phi công quân sự do Nhà trường đào tạo, có trình độ, năng khiếu sư phạm và phi công quân sự từ các đơn vị cơ sở được điều động về để đào tạo, bồi dưỡng trở thành giảng viên bay.
Đối với các khoa, nguồn tuyển chọn giảng viên chủ yếu là học viên tốt nghiệp hệ chính quy loại khá, giỏi của các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; những kỹ sư, cử nhân ở các đơn vị được điều động về Nhà trường hoặc lựa chọn từ những cán bộ có năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm khá trong nội bộ. Nhờ đó đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giảng viên ở một số khoa.
Bên cạnh đó, Nhà trường tăng cường bồi dưỡng toàn diện đội ngũ giảng viên; kết hợp chặt chẽ đào tạo tại trường với bồi dưỡng, huấn luyện tại chức và tự học tập-nội dung này được Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Không quân xác định là khâu quan trọng để một cán bộ trở thành giảng viên, tạo chuyển biến về chất trong nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đại tá Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Sĩ quan Không quân cho biết: "Xác định ngoại ngữ và tin học có vai trò rất lớn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, tiến tới xây dựng nhà trường thông minh, thời gian qua, Đảng ủy Trường Sĩ quan Không quân đã ra nghị quyết chuyên đề về việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tích cực cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo".
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Sĩ quan Không quân có 96,5% đạt trình độ đại học trở lên, trong đó có 39% trình độ sau đại học (riêng đội ngũ giảng viên có 47% trình độ sau đại học); 100% cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn tốt. |
Chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu, gắn với thực tiễn đơn vị
Quán triệt và thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc về xây dựng nhà trường theo hướng "cách mạng, chính quy, hiện đại, chuẩn hóa và hội nhập", theo Đại tá, Tiến sĩ Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin, mục tiêu đến năm 2025, Nhà trường phấn đấu đạt các tiêu chí trường trọng điểm của Quân đội, khẳng định được uy tín trong tổ chức đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học theo hướng phân chuyên ngành: Sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin lục quân; thông tin hải quân; thông tin phòng không-không quân và sĩ quan chỉ huy-tham mưu tác chiến không gian mạng.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Thông tin đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu giảng dạy các nội dung gắn với thực tế nhiệm vụ đơn vị. Các tiêu chí, tiêu chuẩn về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giảng viên Nhà trường hiện có không những đáp ứng đủ theo quy định mà còn bám sát thực tiễn của đơn vị toàn quân thông qua quá trình nghiên cứu, trao đổi, tập huấn, mời chuyên gia giảng, tham quan học tập ở các đơn vị, thực hiện phương châm "chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị".
Giảng viên giao nhiệm vụ, động viên học viên trước khi bay. Ảnh: MAI ĐÔNG |
Đối với Học viện Hải quân, để đội ngũ giảng viên theo sát với thực tiễn đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu, lộ trình xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ được giao. Theo Đại tá Bùi Duy Thống, Phó chính ủy Học viện Hải quân, Nhà trường thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm đủ số lượng, có thành phần, cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành hợp lý, gắn với thực hiện biểu tổ chức, biên chế mới của Học viện và kịp thời bổ sung khi có biến động; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo (chính quy, tại chức) ở trong nước, nước ngoài với tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng không chỉ giỏi chuyên môn đảm nhiệm mà còn có khả năng kiêm nhiệm giảng dạy, quản lý, nghiên cứu khoa học các nội dung khác, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, phát triển.
Ngoài ra, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng Hải quân "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hải quân đã và đang tập trung mọi nỗ lực xây dựng Học viện hiện đại. Đại tá Bùi Duy Thống nêu kinh nghiệm: "Trước xu thế hội nhập quốc tế về GD-ĐT, sự phát triển khoa học-công nghệ tác động mạnh mẽ, đa chiều, đa lĩnh vực vào sự nghiệp GD-ĐT của Quân đội và Học viện; quán triệt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng, Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Học viện hiện đại theo mô hình nhà trường thông minh, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Học viện tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh, chất lượng cao. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng GD-ĐT của Học viện".
Trường Sĩ quan Thông tin có 1 đồng chí đạt chức danh phó giáo sư; 2 đồng chí đạt tiêu chuẩn giảng viên cao cấp; 47 đồng chí đạt tiêu chuẩn ngạch chính và 115 đồng chí đạt tiêu chuẩn ngạch khởi đầu; hơn 73% giảng viên của Nhà trường có trình độ sau đại học (trong đó có hơn 16% tiến sĩ); 100% giảng viên có khả năng khai thác ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy; chất lượng giảng viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. |
(S.t)
EmoticonEmoticon